Trong ngành giáo dục, STEM (Science, Technology, Engineering & Mathematics) có giá trị đáng kinh ngạc, nhưng nếu muốn đào tạo ra những nhà sáng chế giỏi nhất, chúng ta cần chú trọng hơn vào việc giảng dạy các bộ môn nghệ thuật ở trường.
STEM là một thuật ngữ chỉ các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Thuật ngữ này thường được sử dụng khi đề cập đến các chính sách giáo dục và việc lựa chọn chương trình giảng dạy trong trường học, nhằm tăng tính cạnh tranh trong phát triển công nghệ. Nó đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển lực lượng lao động, an ninh quốc gia và chính sách nhập cư.
Giáo dục công lập hiện nay chưa đủ để tạo ra một lực lượng lao động giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao. Để cạnh tranh trong thị trường quốc tế, các nhà lãnh đạo đã ra quyết định tập trung vào hệ thống giáo dục STEM.
Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama tập trung phát triển hệ thống STEM thông qua việc khởi động Chiến dịch “Giáo dục để đổi mới” của Nhà Trắng. Đây không chỉ đơn thuần là một chiến dịch liên bang, mà còn là nỗ lực tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức phi lợi nhuận và các hiệp hội về khoa học kỹ thuật nhằm cải thiện hoạt động giảng dạy và học tập STEM. Năm 2010, Tổng thống Obama công bố việc thành lập tổ chức “Thay đổi phương trình” – tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập bởi CEO của các công ty CNTT-TT lớn ở Mỹ, nhằm hỗ trợ cho Chiến dịch “Giáo dục để đổi mới” để nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong trường học.
Hệ thống giáo dục STEM được tin tưởng sẽ là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề thiếu hụt lao động công nghệ cao. “Giáo dục STEM đã giúp cho công việc của rất nhiều ngành công nghiệp trở nên nhanh chóng, hiệu quả và táo bạo hơn với giá thành rẻ nhất. Minh chứng rõ ràng và phổ biến nhất hiện nay là ngành công nghiệp vi tính, nhưng trước đó đã có ngành công nghiệp ô tô, quốc phòng và bất kỳ ngành công nghiệp nào có liên quan đến những cơ hội kinh doanh nhằm đạt được hiệu quả kinh tế cao” – ông John Maeda – Nguyên Chủ tịch Trường Thiết kế Rhode Island, tác giả cuốn sách “Laws of Simplicity” và cũng là đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner, Perkins, Caufield & Byers – cho biết.
“Tuy nhiên, STEM vẫn bộc lộ một sơ hở không nhỏ” – ông Maeda nói thêm – “Nó đã bỏ qua một thực tế là việc có quan điểm và góc nhìn đa dạng về nhiều lĩnh vực là một lợi thế vô giá giúp chúng ta trở nên hiểu biết, nhanh nhạy và cầu tiến hơn. Tập trung vào STEM phù hợp với việc xây dựng một nền văn minh Vulcan, nhưng lại bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời vốn có để tận hưởng cuộc sống như những người bình thường, trong mối quan hệ giữa người với người.
Nền tảng của hệ thống giáo dục STEM là giúp ta làm việc năng suất và hiệu quả hơn trong toàn bộ quá trình, nhưng lại không giúp ích gì trong việc phát triển tính tò mò khám phá hay trí tưởng tượng của chúng ta. Nó không tập trung vào việc phát huy khả năng sáng tạo. Nó cũng không dạy ta về lòng nhân ái hay cách khởi tạo và duy trì mối quan hệ giữa người với người sâu xa về mặt cảm xúc. Nhật Bản và Singapore là những ví dụ khá điển hình. Họ được nhìn nhận là những tấm gương mẫu mực trong việc chuyển tải và áp dụng giáo dục STEM trong nước, nhưng họ cũng phải đối mặt với nguy cơ thiếu sáng tạo đang diễn ra trên toàn thế giới”.
Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là những bộ môn quan trọng và cần phải được tập trung giảng dạy. Tuy nhiên, chúng không thể đảm đương toàn bộ trọng trách một mình. Để chuẩn bị cho thế hệ tương lai sẵn sàng lãnh đạo thế giới theo xu hướng tiến bộ, chúng ta cũng cần tập trung vào những ý tưởng sáng tạo giúp đem lại cho mỗi cá nhân khả năng cách tân để tiến bộ.
Để nghiên cứu xem khả năng tiến bộ này bắt nguồn từ đâu, Trường đại học bang Michigan tại Mỹ đã tiến hành khảo sát một nhóm cử nhân tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc STEM từ năm 1990 đến 1995. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, những người sở hữu doanh nghiệp hoặc được cấp bằng sáng chế có xu hướng tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ cao gấp 8 lần những người còn lại. Các nhà nghiên cứu trên kết luận rằng kết quả này là lưu ý quan trọng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế Mỹ.
Các bộ môn nghệ thuật chính là yếu tố thúc đẩy trí óc phát triển và giúp sức sáng tạo thăng hoa. Nghệ thuật cũng xứng đáng được xếp chung vị trí với các bộ môn khoa học về mức độ quan trọng và cần thiết. Sarah Pease – Cử nhân Trường Thiết kế Rhode Island – đã lãnh đạo Câu lạc bộ “STEM to STEAM” tại trường để góp phần mang nghệ thuật lại gần hơn với vị trí này trong hệ thống giáo dục quốc gia. Những nhà lãnh đạo trẻ như Sarah không khuyến khích chúng ta phản đối STEM, mà họ muốn gợi ý chúng ta thêm một chữ cái vào khái niệm viết tắt này. Việc thêm một chữ cái A (viết tắt của “Art”: Nghệ thuật), biến STEM thành STEAM đã góp phần kêu gọi vị trí xứng đáng cho một yếu tố còn chưa được quan tâm đúng mức trong các cuộc thảo luận cải cách giáo dục.
“Trong khi tốc độ phát triển chóng mặt của những tiến bộ công nghệ đang khiến sự giao tiếp trực tiếp giữa người với người suy giảm đáng kể, thế giới hiện đại của chúng ta đang khao khát hơn bao giờ hết sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau” – Sarah nói – “Và nghệ thuật hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đó”.
Bang Michigan đã chứng minh được điều đó trong hàng loạt những nghiên cứu chỉ ra rằng: Những học sinh tham gia vào các chương trình âm nhạc nghệ thuật đã có điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, 22% số học sinh có điểm thi tiếng Anh cao hơn và 20% đối với môn Toán. Bên cạnh đó, họ cũng chứng minh được kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn.
Những nỗ lực của Sarah Pease và nhiều người khác đang dần có hiệu quả rõ rệt. Phong trào “STEM to STEAM” đang được nhân rộng và ngày càng nhận được nhiều sự chú ý hơn. Sarah cho biết Quốc hội đã tổ chức một cuộc họp kín với khoảng 20 thành viên Hạ viện, nhằm tích hợp nghệ thuật vào trong hệ thống STEM. Mới đây, tập đoàn Texas Instruments của Mỹ đã cam kết đầu tư 5 triệu USD để thành lập Học viện STEAM ở Plano, tiểu bang Texas. “Nhiều tập đoàn lớn như Boeing, Nike, Apple, Intel, 3M và nhiều nơi khác đã chỉ rõ nghệ thuật hay yếu tố sáng tạo chính là ưu tiên hàng đầu của công ty khi tìm kiếm giải pháp đổi mới” – Sarah nói.
Tập trung vào STEM như một công cụ để lấp đầy những chỗ trống việc làm công nghệ cao và tăng cường đổi mới là không đủ. Nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa hơn một hoạt động giải trí của học sinh ở trường và đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn là chỉ ươm mầm tài năng cho các nhạc công chuyên nghiệp tương lai. Sức mạnh của nghệ thuật có thể chính là thứ mà chúng ta đang tìm kiếm.
Đối với học sinh khi đến trường, việc được trang bị kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học là vô cùng quan trọng; nhưng trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách chúng tương tác với nhau trong các mối quan hệ xã hội cũng quan trọng không kém. Giống như bất kỳ loài hoa nào, thân cây hoa rất có giá trị, nhưng chính bông hoa xòe nở khoe sắc trên ngọn mới là nguồn cảm hứng bất tận của trí tưởng tượng – và đó cũng là thứ mà chúng ta cảm thấy kết nối tới.
Ngọc Lan dịch. (Nguyên bản có tên “STEM is incredibly valuable, but if we want the best innovators we must teach the arts” đăng trên Washington Post, 5.9.2014)