Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học cần chuẩn bị và trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng gì?
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục để tìm lời giải đang rất được quan tâm này. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá thể, gia đình, doanh nghiệp và đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là môi trường giáo dục – nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền công nghiệp mới và đồng thời tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang đổi mới toàn diện và theo đó Giáo dục 4.0 đang được đánh giá là mô hình phù hợp.
Giáo dục 4.0 nên được hiểu như thế nào?
Giáo dục 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức.
Mô hình này cũng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên; tạo điều kiện cho hợp tác giữa giáo dục đại học và sản xuất công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương… Giáo dục 4.0 giúp hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc và mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.
Bên cạnh đó, Giáo dục 4.0 sẽ giúp thay đổi tư duy và cách tiếp cận về mô hình đại học. Trường đại học không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang giá trị cho xã hội. Trường không chỉ đóng khung trong các bức tường của giảng đường, lớp học hay phòng thí nghiệm, mà phải mở rộng kết hợp với các doanh nghiệp, với thị trường lao động để trở thành một hệ sinh thái giáo dục.
Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình đại học 4.0 – Nền tảng giáo dục thế kỷ XXI” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua, khoảng 150 nhà lãnh đạo đại học, giáo sư, nhà nghiên cứu uy tín đến từ các trường đại học danh tiếng đã đưa ra những kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình đại học chuẩn 4.0 từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Giáo sư Gottfried Vossen (Đại học Munster, Đức) đã đề xuất mô hình đại học 4.0: Dạy học 4.0 – Nghiên cứu 4.0 – Quản lý 4.0. Trong đó: dạy học 4.0 gồm: có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, có sự thay đổi phù hợp với đối tượng học, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn.
Nghiên cứu 4.0 bao gồm: hình thức nghiên cứu mới (tốc độ, kết quả, quá trình đánh giá), hệ thống dữ liệu quy mô lớn hơn và đa đạng nguồn hơn.
Quản lý 4.0 gồm: giảng dạy (hệ thống phần mềm thực hiện được nhiều mục đích hơn, những công cụ quản lý hiệu quả hơn, hệ thống thông tin lớn hơn), nghiên cứu khoa học (hệ thống thông tin nghiên cứu khoa học, quản lý dự án), quản lý cơ sở đào tạo, bộ phận hỗ trợ tài chính.
Để xây dựng và triển khai mô hình giáo dục đại học 4.0 nêu trên, các trường cần phải liên tục suy nghĩ về phương pháp tiếp cận việc dạy học để tìm ra những điểm hạn chế và liên tục cải thiện, liên tục theo dõi, quan sát phản hồi, thái độ của sinh viên về việc học tập, nhưng không cần phải trả lời mọi phản hồi, phải thử nghiệm những công nghệ mới.
Ngoài ra, các trường cũng cần có nhiều hình thức học tập mới, thời gian và địa điểm học tập không bị ràng buộc, cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp hơn cho sinh viên.
Giáo dục Việt Nam trước mô hình giáo dục 4.0
Hiện nay, muốn hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vào nền kinh tế số, yếu tố then chốt là nguồn nhân lực. Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo.
Nền giáo dục Việt Nam nói chung và các trường đại học, nơi cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực, lao động sẽ phải nghiên cứu, điều chỉnh đào tạo theo chuẩn giáo dục 4.0 theo hướng bảo đảm khối kiến thức nền tảng vững chắc cho học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thành lập Ban soạn thảo, nghiên cứu về mô hình đại học 4.0 và nhanh chóng triển khai để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần chuyển đổi cách thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực.
Cụ thể, cần áp dụng mô hình giáo dục mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh; tạo điều kiện và yêu cầu sinh viên từ năm thứ 3 phải tham gia các nhóm nghiên cứu. Đồng thời, các đề tài này phải gắn liền với giải quyết một vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội…
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là các trường đại học nên liên danh với doanh nghiệp lớn để hình thành mô hình đại học mới – đại học doanh nghiệp. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang cách “dạy những gì thị trường cần, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.
Về mặt quản lý, các cơ sở giáo dục cần chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học. Gỡ bỏ các rào cản để hướng sự đầu tư của các thành phần kinh tế vào giáo dục đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển đất nước.
Đối với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Không chỉ học chỉ trong sách vở, qua tài liệu mà phải học qua nhiều hình thức khác như qua trò chơi, liên hệ tương tác, cung ứng đám đông, học bằng dự án. Đặc biệt, với học sinh, sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.
Theo BQT