Đặc điểm môn Vật lý trong Chương trình phổ thông

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ biên Chương trình môn Vật lý trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, chương trình môn Vật lý trong chương trình giáo dục phổ thông có 8 đặc điểm quan trọng.

Trong nhà trường phổ thông, môn Vật lý giúp học sinh có được những tri thức phổ thông cốt lõi của Vật lý học và ứng dụng của chúng trong cuộc sống. Cụ thể, chương trình môn Vật lý được định hướng xây dựng với 8 đặc điểm cơ bản.

Bộ Thí Nghiệm Vật Lý Cơ Khí Tiểu Học 37 bài thực hành 7441
Bộ Thí Nghiệm Vật Lý Cơ Khí Tiểu Học 37 bài thực hành #7441

1/ Tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản, phân hóa ở trung học phổ thông

Ở trung học phổ thông, Vật lý là môn học thuộc nhóm môn Khoa học tự nhiên, được lựa chọn theo nguyện vọng của học sinh. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp này, môn Vật lý giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, củng cố các phẩm chất, kỹ năng cốt lõi, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học.

2/ Giúp phát triển năng lực học sinh, có tính hướng nghiệp

Chương trình môn Vật lý giúp học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đồng thời nhận biết đúng được một số năng lực, sở trường của bản thân và lựa chọn được một số ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mà môn học đề cập.

3/ Kiến thức được tiếp cận theo quan điểm mới

Thiết kế chương trình chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lý của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lý, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn. Các chủ đề được thiết kế, sắp xếp từ trực quan đến trừu tượng, từ đơn giản đến phức tạp, từ hệ được xem như một hạt đến nhiều hạt; bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.


4/ Chú ý thích đáng đến việc phát triển năng lực thông qua thực hành

Bên cạnh việc sử dụng các mô hình vật lý và toán học, chương trình chú trọng thích đáng đến việc hình thành năng lực tìm tòi khám phá các thuộc tính của đối tượng vật lý thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau.

Chương trình coi trọng việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng vận dụng tri thức vật lý vào việc tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống; vừa bảo đảm phát triển năng lực trên nền tảng những năng lực chung và Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên đã hình thành ở giai đoạn giáo dục cơ bản, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng vào một số ngành nghề cụ thể.

5/ Ngoài nội dung giáo dục cốt lõi còn có các chuyên đề

Cùng với các nội dung giáo dục cốt lõi có thời lượng 70 tiết/năm học, những học sinh có định hướng nghề nghiệp cần vận dụng nhiều tri thức vật lý được học thêm 35 tiết chuyên đề/năm học. Trong các chuyên đề này; một số có tác dụng mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực đáp ứng yêu cầu phân hóa ở cấp trung học phổ thông; một số nhằm tăng cường hoạt động thực hành, vận dụng thực tế, giúp học sinh phát triển tình yêu, sự say mê, ham thích tìm hiểu khoa học, định hướng nghề nghiệp.

6/ Đổi mới phương pháp giáo dục là yếu tố quyết định để phát triển năng lực học sinh

Các phương pháp giáo dục của môn Vật lý góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học, nhằm hình thành Năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên dưới góc độ vật lý (Năng lực vật lý) cũng như góp phần hình thành các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chương trình được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng các phương pháp giáo dục một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể. Tùy theo yêu cầu cần đạt, có thể sử dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp dạy học trong một chủ đề.

7/ Đánh giá kết quả giáo dục là một khâu then chốt trong phát triển năng lực học sinh

Đánh giá kết quả giáo dục là hoạt động xem xét, so sánh mức độ đạt được của mỗi học sinh theo yêu cầu cần đạt của môn học, tìm ra nguyên nhân, dự đoán năng lực phát triển còn tiềm ẩn ở học sinh. Đánh giá là một bộ phận hợp thành quan trọng của quá trình giáo dục. Nó cho phép thu thập các thông tin về chất lượng học tập của học sinh, nhằm tạo các cơ hội và thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. Vì vậy, việc đánh giá kết quả giáo dục học sinh phải xuất phát từ mục tiêu giáo dục của môn học.

Trong nội dung, hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh, chương trình tạo điều kiện để chú trọng tập trung đánh giá các thành phần của năng lực vật lý. Bên cạnh đánh giá kiến thức, coi trọng đánh giá khả năng đề xuất các phương án thí nghiệm và các kỹ năng thực hành vật lý. Do hình thức trắc nghiệm khách quan không phù hợp cho đánh giá kỹ năng thực hành nên chương trình quan tâm hợp lý đến việc sử dụng cách đánh giá qua các sản phẩm thực hành của học sinh (ví dụ sản phẩm của các dự án học tập) cũng như các đánh giá mang tính tích hợp (ví dụ STEM).

8/ Có tính đến các đối tượng và khu vực khác nhau

Chương trình có cấu trúc nội dung cũng như yêu cầu cần đạt về cơ bản là giống nhau cho tất cả các vùng, miền. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những kỹ năng cơ bản trong tìm tòi, khám phá đối tượng vật lý, giáo viên có thể chủ động tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm và thực hành một số nội dung mang sắc thái riêng của địa phương mình.

Mỹ Hà (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *