Học và thi thế nào để có phẩm chất và năng lực

Cùng một kiến thức khoa học cốt lõi nhưng việc tổ chức dạy học khác nhau sẽ góp phần phát triển phẩm chất và năng lực một cách khác nhau. Trong giáo dục phổ thông thì không chỉ dạy kiến thức, kĩ năng chuyên môn khoa học mà quan trọng là phải dạy làm người. Là người thì không chỉ biết kiến thức chuyên môn!

1/ Phẩm chất và năng lực chỉ có thể phát triển và thể hiện ra ở hoạt động

Nếu dạy học mà không tổ chức được hoạt động của HS để HS tự chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng thì kiến thức, kĩ năng của bài học cũng không thể biến thành tri thức của HS; đặc biệt là CŨNG không thể góp phần hình thành phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Để phát triển được phẩm chất, năng lực HS thì với mỗi bài học, GV phải tìm ra được biểu hiện tiêu biểu của phẩm chất, năng lực mà bài học đó có thể góp phần phát triển để tổ chức cho được hoạt động học của HS, sao cho qua hoạt động này mà góp phần vào việc phát triển biểu hiện đã chọn.

Ví dụ:

Nếu dạy học về hệ tuần hoàn của động vật bằng thuyết trình thì HS may mắn lắm chỉ nhớ được tim là một bộ phận trong đó. Nhưng nếu tổ chức để HS mổ một con ếch chẳng hạn thì sẽ giúp HS hình thành phát triển ít nhất là phẩm chất trung thực (chẳng hạn qua số liệu HS báo cáo về kích thước/khối lượng tim con ếch này); còn nếu muốn góp phần vào việc phát triển giao tiếp và hợp tác thì phải tổ chức việc mổ đó theo nhóm HS, vì chỉ qua hoạt động nhóm thì HS mới hình thành phát triển được khả năng giao tiếp và hợp tác. Thậm chí, có thể góp phần giúp HS phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo qua việc tổ chức hoạt động mổ con ếch này theo mức độ hướng dẫn đầy đủ hay để HS tự tìm cách mổ.

Khi luyện đội tuyển quốc gia tham dự Olympic quốc tế, ta thường giao thiết bị và yêu cầu HS phải tìm và thực hiện phương án thực hành để đạt đươc mục đích bài thực hành. Luyện như thế thì HS mới có năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo khi thực hiện các yêu cầu trong các bài thi thực hành ở các kì Olympic đó.

2/ Phần mềm dạy học có thay thế được người THẦY?

Các phần mềm dạy học dù có hiện đại đến mấy cũng không thay thế được người THẦY chính là ở chỗ phần mềm có thể hơn thầy về dạy kiến thức khoa học, rèn luyện kĩ năng, nhưng nó chưa đủ khả năng thay thế được người thầy trong việc tổ chức hoạt động học của HS để góp phần phát triển phẩm chất và năng lực chung của người học.

Cũng như dạy học, đánh giá năng lực phải thông qua đánh giá các hoạt động của học sinh ngay trong từng bài, từng chủ đề dạy học. Nếu không thực hiện được việc đánh giá quá trình hoạt động của HS thì cũng không thể đánh giá được chính xác phẩm chất và năng lực học sinh!

Dù dùng hình thức thi thế nào đi nữa thì cũng chỉ giáo viên mới đánh giá được đúng phẩm chất và năng lực của HS (thông qua việc đánh giá quá trình giáo dục HS ấy).

3/ Một kì thi chỉ đánh giá được về một ít kiến thức và kĩ năng chuyên môn

Ước muốn đánh giá chính xác phẩm chất và năng lực của HS mà chỉ qua một kì thi (ví dụ thi THPT) là một ảo vọng!

Bàn về việc sử dụng hình thức thi như thế nào để giúp thực hiện đúng chức năng của kiểm tra đánh giá trong giáo dục mới là việc luận bàn thiết thực.

Vì tương lai của dân tộc, dù có khó đến đâu cũng phải tìm cho ra hình thức thi đáp ứng đúng chức năng của kiểm tra, đánh giá trong giáo dục. Đó là “cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có giá trị, kịp thời về mức độ đạt chuẩn CT (leaning outcomes) của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển CTGD, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục“.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *